Giá dầu có lúc vượt mức 115 USD/thùng vào ngày thứ Ba (17/5), mức cao nhất trong 7 tuần, khi Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục thúc đẩy lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga, điều này sẽ làm thắt chặt nguồn cung.
Giá dầu đã giảm sau khi Reuters đưa tin rằng Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sớm cho phép công ty dầu khí Mỹ Chevron đàm phán với Chính phủ của Tổng thống Venezuela – Nicolas Maduro, tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với các cuộc thảo luận như vậy.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 1.97% xuống 111.99 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1.80 USD (tương đương 1.58%) còn 112.40 USD/thùng.
Trước đó, hợp đồng dầu Brent đã tiến lên mức đỉnh trong phiên là 115.69 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 28/3. Hợp đồng dầu WTI chạm mức 115.56 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 24/3. Giá dầu đã tăng khoảng 20% kể từ cuộc chiến Nga – Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU vào ngày thứ Hai (16/5) đã thất bại trong nỗ lực gây áp lực buộc Hungary thay đổi quyền phủ quyết đối với đề xuất cấm vận dầu Nga. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao hiện xem Hội nghị thượng đỉnh ngày 30-31/5 là thời điểm đạt được thỏa thuận về lệnh cấm từng giai đoạn đối với dầu Nga.
Số liệu cho thấy trong tháng 4, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia đồng minh bao gồm Nga, đã sản xuất mức thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu theo thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng được thực hiện trong giai đoạn tồi tệ nhất đại dịch Covid-19 năm 2020.
“Cuối cùng, đây là một câu chuyện về nguồn cung”, Fawad Razaqzada, Chuyên gia phân tích tại City Index, nhận định. “Trừ khi OPEC và các đồng minh tăng sản lượng nhanh chóng, giá dầu khó có thể giảm mạnh”.