Giá Vàng Nhảy Múa – Chỉ Báo Cho Những Bất ổn?

maxxyustas / envato elements

Việc giá vàng SJC luôn duy trì cao hơn vượt trội so với giá thế giới quy đổi, cũng như thường tăng nhanh hơn và giảm chậm hơn, một mặt phản ánh sự mất cân bằng cung cầu do các chính sách hạn chế nhập khẩu vàng.

Một yếu tố khác cũng tác động mạnh đến đà tăng của thị trường vàng quốc tế trong thời gian gần đây là dự báo nhu cầu tích trữ của các quốc gia có thể sớm tăng trở lại.

Vũ điệu của vàng

Tăng 15% chỉ trong vòng một tháng từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3, thị trường vàng thế giới trở thành một trong những kênh đầu tư sinh lời tốt nhất giữa khung cảnh các tài sản rủi ro như chứng khoán liên tiếp điều chỉnh. Hôm 7-3-2022, giá kim loại quý này đã có lúc tiếp cận lại kỷ lục cũ ở quanh 2.070 đô la Mỹ/ounce đạt được hồi tháng 8-2020, trước khi điều chỉnh trở lại về quanh 1.970 đô la Mỹ/ounce tính đến thời điểm đầu tuần này.

Giá vàng trong nước thậm chí còn tăng sốc hơn khi leo từ mức quanh 62 triệu đồng/lượng lên tận 74 triệu đồng/lượng, theo đó có lúc mở rộng chênh lệch với giá vàng thế giới quy đổi tới 20 triệu đồng/lượng (trong ngày 8-3, cao nhất từ trước đến nay). Tuy nhiên, cũng như mọi cuộc đẩy giá trước đây, thị trường tăng nhanh rồi giảm sốc khi chỉ hai ngày sau giá vàng rớt xuống quanh 67 triệu đồng/lượng, tức mất 7 triệu/lượng, tương đương gần 10%.

Ngoài nỗi lo ngại tình hình chiến sự tại Ukraine dẫn đến căng thẳng ngày càng leo thang giữa Nga và phương Tây – dẫn đầu là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), với các đòn trừng phạt và trả đũa lẫn nhau trên khắp các mặt trận kinh tế, ngoại giao và chính trị, xu hướng lạm phát tăng vọt trên toàn cầu cũng đang thúc đẩy dòng tiền đổ vào vàng như một lựa chọn an toàn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 2-2022 tiếp tục tăng, lên mức 7,9%, là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1-1982 khi giá dầu, lương thực và nhà ở đều tăng; tiếp nối mức tăng 7,5% hồi tháng 1. Tại châu Âu, CPI tháng 2 cũng tăng lên mức cao kỷ lục 5,8% do giá khí đốt và dầu mỏ tăng cao. Việt Nam cũng không tránh khỏi xu hướng chung, khi CPI tháng 2 vừa qua tăng vọt 1% so với tháng trước do ảnh ưởng của giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới.

Một yếu tố khác cũng tác động mạnh đến đà tăng của thị trường vàng quốc tế trong thời gian gần đây là dự báo nhu cầu tích trữ của các quốc gia có thể sớm tăng trở lại. Cụ thể, trong bối cảnh chiến tranh tác động đến kinh tế, người dân Nga tăng chuyển đổi đồng rup sang vàng, Chính phủ Nga hồi cuối tháng 2 tuyên bố sẽ nối lại hoạt động mua vàng sau hai năm duy trì dự trữ đi ngang.

Ngoài ra, với việc các lệnh trừng phạt gần đây của phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỉ đô la Mỹ trong tổng số 640 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại hối của Nga, bài học từ Nga sẽ khiến nhiều quốc gia khác ngày càng tìm cách tăng nắm giữ vàng như một tài sản dự trữ an toàn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng như nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, hạn chế mức độ tác động nếu chẳng may bị cấm vận. Thực tế kể từ năm 2014, Nga cũng đã giảm dần nắm giữ đô la Mỹ, thay vào đó tích lũy vàng và các loại tiền tệ không phải của Mỹ, trong đó có đồng euro và nhân dân tệ.

Theo thống kê từ Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu năm 2021 đã tăng cường dự trữ gần 463 tấn vàng, tăng 80% so với năm 2020. Ngoài lực mua từ chính phủ, tổ chức này cho biết lực mua từ khu vực tư nhân cũng tăng mạnh. Cụ thể, trong năm 2021, người dân Ấn Độ đã mua gần gấp đôi lượng vàng trang sức so với năm 2020, lên 611 tấn; còn tại Trung Quốc đại lục, lượng tiêu thụ vàng cũng tăng 63% trong năm ngoái, lên 675 tấn.

Lo ngại bất ổn Quay trở lại với thị trường vàng trong nước, việc giá vàng SJC luôn duy trì cao hơn vượt trội so với giá thế giới quy đổi, cũng như thường tăng nhanh hơn và giảm chậm hơn, phản ánh sự mất cân bằng cung cầu do các chính sách hạn chế nhập khẩu vàng.

Việc giá trong nước neo cao so với giá thế giới cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, khi các đầu nậu kinh doanh vàng sẽ gom đô la Mỹ trong nước để nhập lậu vàng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lên trong nước. Rõ ràng khi giá vàng trong nước tăng “bốc đầu” chỉ trong thời gian ngắn đẩy chênh lệch so với giá thế giới quy đổi lên đến 20 triệu đồng/lượng, khó có nhà đầu tư nhỏ lẻ nào dám mua vào, thậm chí nhiều người còn tranh thủ bán ra. Vì vậy, không có gì lạ khi nhiều đại lý kinh doanh vàng nhanh chóng giảm giá mua sau khi tăng sốc chỉ trong thời gian ngắn.

Thực tế với suất sinh lời của thị trường vàng trong những năm qua không còn mấy hấp dẫn so với nhiều kênh đầu tư khác, rủi ro lại cao khi chênh lệch giá lớn, từ chênh lệch so với giá thế giới quy đổi cho đến chênh lệch giá niêm yết mua – bán, nên người dân thường không còn mấy mặn mà với kênh đầu tư này. Lực mua nhỏ giọt chủ yếu đến từ những người có sở thích tích trữ tài sản dài hạn và chấp nhận chôn vốn.

Dù vậy, nếu thị trường tiếp tục nhảy múa liên hồi như vậy thì đây cũng được xem là chỉ báo lo ngại cho những bất ổn của nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Cần lưu ý rằng về cơ bản, khi chính sách tiền tệ bắt đầu thắt chặt, với lãi suất đi lên trở lại, mọi người có xu hướng chuyển tiền của họ sang các tài sản có lợi nhuận tốt hơn, khiến vàng mất giá. Tuy nhiên, nguyên tắc này dường như chưa xảy ra trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, bất chấp kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay, cũng như của các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu, giá vàng vẫn đang thiết lập xu hướng tăng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay.

Theo dự báo của trang longforecast.com, giá vàng thế giới có thể sớm chinh phục mốc 2.300 đô la Mỹ/ounce trong năm nay, và về dài hạn có thể vượt mốc 3.000 đô la Mỹ/ounce trong ba năm tới, trước viễn cảnh lạm phát đình đốn có thể lan rộng khắp toàn cầu. Đáng lưu ý là tổ chức này cũng dự báo giá dầu thế giới có thể sớm vượt mốc 200 đô la Mỹ/thùng vào đầu năm sau, kéo theo tình trạng lạm phát phi mã càng trở nên trầm trọng, khiến vòng xoáy lạm phát leo thang, tiền mất giá rồi đẩy giá vàng tăng sẽ tiếp diễn.

Trong quá khứ, vàng luôn tỏa sáng nhất trong khủng hoảng. Giá kim loại quý đã tăng vọt trong bối cảnh lạm phát đình trệ của những năm 1970, tăng hơn 7 lần trong suốt thập kỷ đó, đạt mức cao nhất là 850 đô la Mỹ/ounce vào đầu năm 1980. Tiếp đó, giá vàng tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đạt đỉnh 1.900 đô la Mỹ/ounce vào năm 2011, nhưng sau đó trượt giá trong phần lớn thời gian của thập kỷ tiếp theo, trước khi tăng trở lại từ năm 2018 và bứt phá trong nửa đầu năm 2020 vì đại dịch Covid-19. Với triển vọng giá tiếp tục đi lên trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và kỳ vọng lạm phát cao, kéo theo giá trong nước nhảy múa liên tục và giữ chênh lệch cao ngất so với giá thế giới quy đổi, khó tránh khỏi trường hợp kích thích một bộ phận các nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn một bộ phận dân cư sẽ thật sự quay trở lại đầu cơ lướt sóng trên thị trường này.

Khi đó, nhu cầu nắm giữ vàng sẽ thật sự tăng mạnh trở lại, dòng tiền từ các kênh đầu từ khác, ngay cả các kênh an toàn như tiền gửi ngân hàng cũng sẽ bị hút vào đây, ảnh hưởng lên thanh khoản của hệ thống và kế tiếp là tạo áp lực lên lãi suất. Hiện tượng vàng hóa có thể quay trở lại với mức độ mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, với một nền kinh tế ưa thích vàng và có tâm lý dùng giá vàng để định giá trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống như Việt Nam, lạm phát kỳ vọng sẽ càng tăng lên khi đà leo thang của giá vàng không dừng lại. Việc giá trong nước neo cao so với giá thế giới cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, khi các đầu nậu kinh doanh vàng sẽ gom đô la Mỹ trong nước để nhập lậu vàng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lên trong nước. Xu hướng mất giá của tiền đồng và lạm phát kỳ vọng sẽ càng gây thêm áp lực lên lãi suất.

Những bài viết liên quan

Notice. Juno Markets uses cookies to provide necessary website functionality, improve your experience and analyze our traffic. By using our website, you agree to our Privacy Policy and our cookies usage.